Lương tối thiểu được đề xuất tăng 200.000-280.000 đồng

Lương tháng của lao động trong doanh nghiệp có thể tăng 200.000-280.000 đồng (6%) tùy vùng, điều chỉnh cùng lúc cải cách lương khu vực nhà nước, từ ngày 1/7.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến bộ ngành dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu với lao động làm việc theo hợp đồng. Bộ này đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu tháng và giờ thêm 6% so với hiện hành từ ngày 1/7, theo khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Nếu được thông qua, lương tối thiểu tháng vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 là 3,45 triệu. Lương hiện hành các vùng đang dao động 3,25-4,68 triệu đồng.

Lương tối thiểu giờ tăng tương ứng 6%, dao động 16.600-23.800 đồng. Cụ thể, vùng 1 lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200 đồng; vùng 3 lên 18.600 đồng; vùng 4 lên 16.600 đồng.

Giờ vào ca của công nhân May 10 Hà Nội, tháng 2/2024. Ảnh: Ngọc Thành
Giờ vào ca của công nhân May 10 Hà Nội, tháng 2/2024. Ảnh: Ngọc Thành

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá mức lương tối thiểu tháng và giờ như hiện nay đã "đảm bảo được mức sống tối thiểu của lao động và gia đình họ, giúp mở rộng độ bao phủ của tiền lương tối thiểu đến những nhóm làm việc linh hoạt, bán thời gian, cũng như phù hợp khả năng chi trả của doanh nghiệp".

Song giá trị thực tế của tiền lương bị suy giảm dần theo thời gian do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt. Dự kiến CPI năm nay tăng 4-4,5%, mức lương tối thiểu hiện hành sẽ không còn đảm bảo đời sống lao động nên cần sớm điều chỉnh.

Mức tăng 6% được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá "hài hòa giữa hai bên (doanh nghiệp và lao động), cơ bản đảm bảo mức sống tối thiểu năm 2025". Đồng nghĩa Bộ đã tính trước một phần CPI của năm sau vào mức sống tối thiểu để lao động thụ hưởng trong năm nay.

Cùng với tăng lương tối thiểu, địa bàn một số vùng sẽ được cập nhật. Cụ thể, điều chỉnh từ vùng II lên vùng I đối với thị xã Quảng Yên, thị xã Đông Triều, TP Uông Bí, TP Móng Cái (Quảng Ninh); điều chỉnh từ vùng III lên vùng II đối với TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình); TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa); thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa); TP Sóc Trăng (Sóc Trăng).

Điều chỉnh từ vùng IV lên vùng III các huyện Thái Thụy, Tiền Hải (Thái Bình); Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống (Thanh Hóa); huyện Ninh Phước (Ninh Thuận).

Cùng với tăng lương của lao động trong doanh nghiệp, từ ngày 1/7 lương khu vực công cũng thay đổi. Cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng hiện nay. Dự kiến từ năm 2025, tiền lương khu vực này tiếp tục tăng bình quân 7% mỗi năm, đến khi mức lương thấp nhất khu vực công bằng hoặc cao hơn lương thấp nhất vùng 1 khối doanh nghiệp.

Nếu được thông qua, đây sẽ là lần thứ hai trong bốn năm lương tối thiểu vùng tăng vào đầu tháng 7, sau kỳ điều chỉnh hồi 1/7/2022 do ảnh hưởng của đại dịch Covid. Thông lệ hơn 10 năm qua, lương tối thiểu vùng tăng vào ngày 1/1.

Khảo sát quý II/2023 của Viện Công nhân Công đoàn cho kết quả thu nhập trung bình của lao động khoảng 7,88 triệu đồng, trong khi chi tiêu mỗi tháng của gia đình họ là 11,7 triệu đồng. Riêng tiền dành cho lương thực, thực phẩm chiếm 70%. Mức chi tiêu của người lao động đã tăng 19% so với năm 2022, chủ yếu do giá cả, tiền điện nước tăng cao.

Chỉ 24,5% lao động khảo sát cho biết thu nhập vừa đủ chi tiêu cho các khoản sinh hoạt, số còn lại thiếu trước hụt sau. Nhiều người phải làm thêm ở ngoài để tăng thu nhập ngoài công việc trong nhà máy.

Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thống kê thời kỳ 2015-2019, lương tối thiểu danh nghĩa tăng 42,7% song lạm phát khiến tiền lương thực tế chỉ tăng 20,1%. Giai đoạn 2020-2022, lương tối thiểu điều chỉnh trên 6%, song tiền lương thực tế chỉ tăng 0,7%.

vnexpress.net

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.