Lao động khu vực phi chính thức hầu hết không có bảo hiểm xã hội
Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khoá XII “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” được ban hành ngày 23/5/2018 (gọi tắt là NQ 28) nhằm thúc đẩy hơn nữa các giải pháp thực hiện chính sách BHXH, để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Trong đó, mục tiêu cụ thể về BHXH là từng bước hoàn thành tỷ lệ bao phủ tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi: 35% đến năm 2021; 45% đến năm 2025; 60% đến năm 2030; số người sau độ tuổi hưởng lương hưu được hưởng lương hưu, với tỷ lệ đề ra là: 45% đến năm 2021; 55% đến năm 2025 và 60% đến năm 2030.
Nghị quyết số 28-NQ/TW (NQ 28) của BCH Trung ương về cải cách chính sách BHXH không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức mà còn đặc biệt chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức.
Cải cách chính sách BHXH không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức mà còn đặc biệt chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức - đây là khoảng trống vẫn chưa được quan tâm triệt để trong những lần thiết kế chính sách trước đây. Trong đó mục tiêu nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện theo từng giai đoạn là chiếm khoảng 1% (2021), 2,5% (2025), 5% (2030) lực lượng lao động trong độ tuổi.
Bà Trương Thị Tuyết - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng BHXH Hà Tĩnh cho biết: “Thực hiện NQ 28 và chủ trương chung của ngành, thời gian qua, BHXH Hà Tĩnh đã chú trọng công tác tuyên truyền. Hàng năm đã phát triển hệ thống đại lý (hiện nay có hơn 250 đại lý) và tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại trực tiếp tại các khu dân cư, tổ dân phố…
Ngoài ra, các cán bộ, chuyên viên BHXH và nhân viên đại lý cũng liên tục sáng tạo hình thức tuyên truyền như: Ra chợ, ra đồng tuyên truyền, đến từng ngõ, gõ từng nhà, đối thoại trực tiếp… Nhờ đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức đã nâng cao nhận thức, tham gia BHXH tự nguyện ngày càng nhiều. Nếu như năm 2018 mới chỉ đạt 6.985 người thì năm 2020 đã phát triển lên 27.775 người (chiếm 4,2 % lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt xa mục tiêu chung của cả nước)”.
Đến từng ngõ, gõ từng nhà là một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả, phát triển BHXH tự nguyện trong đối tượng lao đông phi chính thức ở Hà Tĩnh.
Chính sách cải cách BHXH đặt ra trong NQ 28 nhằm thực hiện một bước Hiến pháp năm 2013, đó là “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Và vấn đề có tính đột phá, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tại NQ 28 là chủ trương có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách Nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức nhằm khuyến khích đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân.
Theo đó, tại Hà Tĩnh, ngoài các mức hỗ trợ của Nhà nước theo từng đối tượng, từ 1/1/2020, theo Nghị quyết số 177/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, người tham gia BHXH tự nguyện còn được hỗ trợ 20% mức đóng hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn.
Các mức hỗ trợ phí đóng BHXH tự nguyện ở Hà Tĩnh theo Nghị quyết số 177/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh
Chị Phan Thị Nga ở thôn 3 xã Sơn Bình (Hương Sơn) cho biết: “Năm 2020, khi được nhân viên đại lý BHXH của Hội Nông dân xã tuyên truyền về BHXH, về chính sách hỗ trợ mức đóng của Nhà nước và tỉnh, tôi đã tham gia và sau đó lần lượt đăng ký cho chồng và con tôi cùng tham gia. 2 vợ chồng tôi là nông dân, con tôi là lao động tự do nên đây sẽ là chỗ dựa vững chắc giúp chúng tôi yên tâm hơn khi về già”.
Tham gia BHXH tự nguyện, người lao động sẽ được hưởng lương hưu khi về già.
NQ 28 với những cải cách cụ thể đã góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của người dân đối với việc tham gia hệ thống an sinh xã hội, từ đó bảo đảm được lợi ích của người dân khi họ hết tuổi lao động. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều nội dung cải cách trong NQ 28 chưa được triển khai, đã ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển bao phủ BHXH ở các địa phương.
Cán bộ BHXH thị xã Hồng lĩnh tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho người lao động khu vực phi chính thức.
“Sau kỳ tích vượt 102% kế hoạch phát triển BHXH tự nguyện năm 2020, năm 2021, BHXH Hà Tĩnh được giao phát triển thêm 9720 đối tượng. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm, chúng tôi chỉ mới phát triển được hơn 2000 đối tượng.
Ngoài nguyên nhân về ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh thì nguyên nhân lớn nhất vẫn là do một số nội dung của NQ 28 chưa được triển khai khiến người dân dè dặt. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhất là ngoài 2 chế độ hưởng là hưu trí và tử tuất, người tham gia BHXH tự nguyện chưa được hưởng các chế độ ngắn như: Thai sản, ốm đau, tai nạn lao động; việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm chưa được triển khai…” - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng BHXH Hà Tĩnh Trương Thị Tuyết chia sẻ.
Khu vực kinh tế phi chính thức (KTPCT) được định nghĩa là khu vực hoạt động của tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh không có tư cách pháp nhân, sản xuất ít nhất một hoặc một vài sản phẩm và dịch vụ để bán hoặc trao đổi, không đăng kí kinh doanh (không có giấy phép kinh doanh). Ở Việt Nam chủ yếu là hộ sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác… Việc làm phi chính thức là việc làm không có bảo hiểm xã hội (đặc biệt là bảo hiểm xã hội bắt buộc) và không có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên. Ở Việt Nam hầu hết các việc làm thuộc khu vực KTPCT được coi là việc làm phi chính thức. |