Vào những lúc tức giận và thất vọng, chúng ta thường có xu hướng trút lên con hoặc nói ngay trước mặt con mà không nghĩ tới hậu quả. Có những từ như “Mẹ yêu con”, “Ba yêu con” dễ dàng khiến bé bật cười rạng rỡ, trái lại, có những từ khó nghe sẽ dễ dàng khiến bé khóc, cảm thấy không được tôn trọng và vô tình làm rạn nứt tình cảm cha mẹ với các con.
Ảnh minh họa
Dù sẽ cần thêm nhiều nỗ lực khác nhưng trước hết bố mẹ cần ngừng nói với con ngay lập tức những cụm từ dưới đây.
1. “Sao con không giống được như...”
Điều tồi tệ nhất đối với một đứa trẻ là nói rằng nó không tốt/giỏi bằng anh chị em của mình hoặc so sánh với một người bạn nào đó của chúng. Thay vào đó, bạn nên khen ngợi những điểm mạnh riêng của trẻ.
2. “Có cái gì đâu mà phải khóc”
Một vết xước, trầy nhỏ chẳng có vấn đề gì, nhưng với con trẻ, đó sẽ là trải nghiệm đau đớn trên đời đối với chúng. Đơn giản hãy coi đây là một lỗi ngốc nghếch của các con, khiến trẻ dịu đi bằng sự vui vẻ, chứ đừng thể hiện cho con thấy bạn không mấy bận tâm tới cảm xúc của con.
3. “Lỡ thất hứa tí mà khóc cái gì, suốt ngày chơi, không biết bố mẹ bận thế nào à”
Khi bạn không giữ lời hứa với một đứa trẻ, bạn sẽ khiến con mất đi niềm tin. Vì thế khi liên quan tới một vấn đề thực sự lớn, hãy suy nghĩ kỹ. Thay vì nói hứa hãy nói “Ba/mẹ sẽ cố/sẽ thử xem sao!”.
4. "Con thật ngu ngốc!"
Nếu bạn không muốn con bạn gọi anh em, bạn bè của nó là kẻ ngốc thì bạn cũng đừng nên dùng những từ này trước mặt chúng. Chưa bàn tới việc câu này còn ám chỉ rằng có những vấn đề giữa bạn và vợ/chồng mình.
5. "Có cái gì đâu mà suốt ngày sợ!"
Nói với trẻ câu này không thay đổi được sự thật là chúng đang sợ. Thay vào đó, nói với chúng về nỗi sợ (tại sao con sợ, con sợ nó ở chỗ nào...) và dần giúp trẻ vượt qua nỗi sợ.
6. "Ba/mẹ cũng ghét con"
Sẽ có một số thời điểm, con bạn sẽ nói rằng nó ghét bạn. Nhưng thay vì đặt mình ngang hàng với trẻ (vâng, có những cha mẹ vẫn làm thế), đơn giản hãy nói rằng: Ba/mẹ luôn yêu con.
7. “Vì ba/mẹ nói thế”
Đây là một câu mà chúng ta cần chôn vùi càng sớm càng tốt, vì những lý do chính đáng. Không hề có một lời giải thích, trẻ sẽ không hiểu lý do vì sao chúng phải ngừng hành động (sai phạm) mà bạn đã khiển trách chúng.
8. "Im ngay/Thôi ngay/Yên nào"
Thành thực mà nói, câu này rất thô lỗ. Với cảm nhận của một đứa trẻ thì nó càng chẳng dễ nghe chút nào. Bạn sẽ chẳng đạt được mục đích bằng những câu ra lệnh cụt lủn kiểu này đâu.
9. “Bố mẹ học giỏi, chả hiểu sao con lại thế này”
Với trẻ nhỏ, câu nói này thực ra mang hàm ý rất lớn, khiến con cảm thấy tự ti vào bản thân. Sẽ thế nào khi trẻ cảm thấy bản thân tồi tệ và con không muốn cố gắng nữa? Nhiều cha mẹ tưởng rằng câu này là đang khích lệ trẻ nhưng thực chất là chỉ khiến con thêm buồn mà thôi. Thậm chí, những câu mắng chửi là thể hiện sự bất lực của người lớn trong việc dạy con.
10. “Mẹ bận lắm, con không nhìn thấy à”
Bố mẹ nào thì cũng không thể tránh khỏi những lúc lúc bận rộn và cần những phút giây yên tĩnh. Tuy nhiên, khi bạn cứ thường xuyên nói với con những câu như “Đừng làm phiền bố/mẹ”, “Bố/Mẹ đang bận” thì sẽ dần dần tạo nên một bức tường ngăn cách với con cái.
Sự từ chối liên tục từ bạn có thể khiến bé bị tổn thương và sinh ra trầm cảm vì nghĩ rằng không ai cần mình nữa. Các con sẽ có xu hướng ít chia sẻ và bày tỏ với bố/mẹ khi lớn lên.
Thay vì thế, mẹ hãy chia sẻ với trẻ lí do vì sao bố/mẹ bận và yêu cầu con tạm thời yên tĩnh một lúc: “Bố/mẹ còn phải làm nốt việc này nữa. Con ngoan ngồi vẽ tranh một lát nhé. Rồi lát nữa bố/mẹ con mình đi chơi sau”.
11. “Không nhanh lên thì con sẽ ở nhà đấy”
Đây là câu cha mẹ thường xuyên thốt ra, và thường mang sắc thái quát tháo và giục giã, điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, thậm chí sinh ra phản ứng chống đối. Đừng dùng những lời dọa dẫm để thúc giục trẻ.
Thay vào đó bạn nên nói: “Nếu con không mang giày và sẵn sàng đi trong 5 phút nữa thì sẽ không kịp giờ đâu, phải bỏ lỡ những điều vui nhất đấy”.