1. Nguyên nhân gây đau dạ dày là gì?
Đau dạ dày là tình trạng dạ dày bị tổn thương chủ yếu là do bị viêm loét dạ dày. Loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương. Biểu hiện là những vết loét sâu xuống lớp cơ niêm mạc, gây ra những cơn cơn đau bụng âm ỉ, ợ hơi, ợ chua khó chịu cho bệnh nhân.
2. Đau dạ dày có nguy hiểm không?
Cơn đau dạ dày có thể dữ dội hoặc âm ỉ rất khó chịu, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị, thậm chí là ung thư dạ dày.
3. Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày rất đa dạng, thường gặp nhất là các yếu tố sau:
- Chế độ ăn uống không hợp lý: Do lạm dụng quá nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê; Ăn đồ quá cay nóng, chiên xào; Ăn không đúng bữa, ăn vội vàng, nhai không kỹ…
- Sinh hoạt không điều độ: Ngủ không đủ giấc, thức quá khuya… cũng có thể gây nên tình trạng viêm loét dạ dày - tá tràng.
- Lạm dụng quá nhiều thuốc: Lạm dụng các thuốc giảm đau, kháng sinh hoặc nhiễm kim loại nặng khiến niêm mạc dạ dày, tá tràng tổn thương và dẫn đến tình trạng loét dạ dày - tá tràng.
- Nhiễm vi khuẩn H.P: Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên các tổn thương nghiêm trọng ở dạ dày.
Một số nguyên nhân khác như stress, căng thẳng, lo lắng kéo dài cũng được coi là yếu tố thuận lợi gây viêm loét dạ dày.
4. Dấu hiệu nhận biết đau do viêm loét dạ dày
Khi bị viêm loét dạ dày, người bệnh thường có các triệu chứng sau:
- Đau âm ỉ, nóng rát vùng thượng vị: Cơn đau xảy ra ngay sau khi ăn. Cơn đau thường dữ dội hơn vào ban đêm và gần sáng do dạ dày vẫn co bóp, bài tiết dịch vị khi thức ăn đã được tiêu hóa hết gây kích thích niêm mạc dạ dày.
- Ợ hơi, ợ nóng, khó tiêu, cảm giác chướng căng tức bụng vùng trên rốn khiến bệnh nhân không có cảm giác thèm ăn, mệt mỏi. Tiết nhiều nước bọt, ợ nóng, khó chịu vùng ngực, sau xương ức.
- Buồn nôn, nôn: Bệnh nhân cảm thấy buồn nôn, nôn. Sau khi nôn bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn nếu ổ loét gây hẹp môn vị (hẹp đường xuống, làm thức ăn bị ứ đọng trong dạ dày). Có thể gặp nôn ra máu hoặc đi cầu phân đen (như bã cà phê) do chảy máu ổ loét.
5. Cách xử trí khi bị đau dạ dày
Khi có dấu hiệu nghi ngờ bị viêm dạ dày cấp, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và làm các xét nghiệm cần thiết như: nội soi dạ dày, xét nghiệm máu, Xquang để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị phù hợp.
6. Cách chăm sóc điều trị tại nhà như thế nào?
Bên cạnh việc tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, người bệnh cần ngừng ngay việc sử dụng các chất gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Cần dùng những thức ăn giảm tiết dịch vị, giảm tác dụng của acid tiết ra lên niêm mạc dạ dày để tránh tái phát hoặc gây loét dạ dày. Cụ thể:
- Không ăn thức ăn có nhiều vị chua, có nhiều gia vị như ớt, tỏi, hạt tiêu…
- Không ăn những món ăn gây khó tiêu nhiều chất béo như chiên, xào, nướng.
- Không ăn thức ăn cứng như ngũ cốc thô, các loại hạt, măng khô, thức ăn nhiều xương…
- Không ăn thức ăn lạnh, thức ăn để lâu bị ôi thiu, các món tái, sống như gỏi cá, nem chua, tiết canh…
- Các loại thức ăn chế biến sẵn như thịt nguội, giăm bông, lạp sườn, xúc xích… cũng không nên dùng.
- Không uống rượu bia, thuốc lá, cà phê, trà đặc, nước giải khát có gas.
Ngoài ra cần lưu ý nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, tránh lo âu, căng thẳng…
7. Đau dạ dày nên ăn gì cho tốt?
Người bệnh viêm loét dạ dày nên ăn các loại thực phẩm có tính bao bọc niêm mạc dạ dày như: gạo nếp, bánh mì, bánh quy, ngũ cốc, các loại khoai củ, mật ong…
- Nên ăn thịt nạc như thịt lợn nạc, thịt bò nạc, thịt gia cầm không da; cá, trứng…
- Lựa chọn các thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như dầu ô liu.
- Để cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất do tiêu hóa hấp thụ kém ở người mắc bệnh lý dạ dày, nên tăng cường ăn rau xanh và trái cây tươi.
8. Đông y có chữa được bệnh dạ dày không?
Điều trị đau dạ dày bằng Đông y cũng là một phương pháp an toàn và hiệu quả. Trong Đông y có rất nhiều bài thuốc điều trị các chứng đau dạ dày. Tùy vào nguyên nhân, biểu hiện đau dạ dày mà các thầy thuốc sẽ đưa ra bài thuốc điều trị phù hợp.
Người bệnh cần lưu ý nên đi khám và điều trị tại các cơ sở điều trị y học cổ truyền uy tín. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc theo mách bảo hoặc sử dụng các bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng.
9. Lưu ý với người béo phì, đái tháo đường, phụ nữ có thai… khi bị đau dạ dày
Đối với người béo phì: Một trong những nguyên nhân chính gây béo phì là do chế độ ăn uống không hợp lý. Suất ăn chứa nhiều năng lượng hơn mức cơ thể cần, thói quen ăn uống thoải mái không kiểm soát... không những dẫn đến béo phì mà còn gây quá tải cho hoạt động của dạ dày.
Việc ăn tối quá no hoặc ăn đêm trước khi đi ngủ không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây béo phì mà còn ép dạ dày làm việc quá tải, khiến dịch vị dạ dày tiết ra quá mức gây ăn mòn niêm mạc dạ dày. Thức ăn chưa kịp tiêu hóa hết sẽ phân hủy và lên men trong dạ dày, dẫn tới đầy bụng và đau dạ dày.
Đối với người bệnh đái tháo đường: Bệnh nhân bị đái tháo đường nếu kiểm soát đường huyết trong máu không tốt mà liên tục tăng cao sẽ làm xuất hiện rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Một trong các biến chứng hay gặp là liệt dạ dày. Các dấu hiệu liệt dạ dày bao gồm: Ợ nóng, buồn nôn, nôn, đầy bụng, ăn không ngon, trào ngược dạ dày thực quản… Do đó bệnh nhân đái tháo đường cần chú ý kiểm soát đường huyết và đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường ở dạ dày.
Đối với phụ nữ mang thai: Đau dạ dày là tình trạng không hiếm gặp ở phụ nữ mang thai. Hầu hết các trường hợp bị đau dạ dày khi mang thai không ảnh hưởng nhiều đến thai nhi. Nhưng nếu có biểu hiện đau kéo dài, thai phụ cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để có hướng điều trị phù hợp.
10. Chi phí khám điều trị đau dạ dày
Để điều trị hiệu quả bệnh viêm loét dạ dày, các bác sĩ cần biết tình trạng viêm loét, các biến chứng của viêm loét cũng như tình trạng nhiễm vi khuẩn H.P (Helicobacter pylori) trong dạ dày. Để có chẩn đoán chính xác thì ngoài các triệu chứng có được qua thăm khám trên bệnh nhân, bác sĩ cần thực hiện nội soi dạ dày và xét nghiệm vi khuẩn H.P.
Nội soi dạ dày là phương pháp chẩn đoán tiên tiến, hiện đại và cơ sở thực hiện phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về trang thiết bị máy móc và nhân lực. Do đó chi phí nội soi thường cao hơn so với các biện pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp X-quang hay siêu âm.
Nếu người bệnh có tham gia bảo hiểm y tế và muốn thực hiện nội soi dạ dày sẽ được bảo hiểm y tế chi trả theo đúng mức quy định. Trường hợp đi khám đúng tuyến, bảo hiểm y tế sẽ thanh toán 80% chi phí nội soi dạ dày. Trường hợp đi khám trái tuyến, người bệnh chỉ được hưởng 40% chi phí do bảo hiểm thanh toán.
Về mức giá dịch vụ nội soi dạ dày không gây mê tại các cơ sở y tế công lập dao động trong khoảng 700.000 - 1.000.000 đồng. Tại các cơ sở y tế tư nhân khoảng từ 1.500.000 - 3.000.000 đồng.
Mức giá dịch vụ nội soi dạ dày gây mê tại các cơ sở y tế công lập khoảng từ 1.700.000 - 2.500.000 đồng. Tại các cơ sở y tế tư nhân khoảng từ 2.000.000 - 3.500.000 đồng.
Về điều trị, dựa trên kết quả đánh giá mức độ nặng nhẹ của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc phù hợp.