Trong xã hội hiện đại, khi mà việc ăn uống không chỉ dừng lại ở chuyện đáp ứng nhu cầu “ăn no” mà là đạt đến độ “ăn ngon, ăn đẹp” thì văn hóa trong ăn uống đã trở thành một trong những tiêu chí đánh giá nhân cách con người. Do đó, trẻ em cần được giáo dục ngay từ bé chuyện ăn uống để trở thành một người văn minh.
Trẻ biếng ăn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ấn tượng không tốt với những người xung quanh. Ảnh Internet
Chị Bình (TP Hà Tĩnh) có 2 cậu con trai đang học tiểu học. Gia đình chị thuộc diện có điều kiện kinh tế, lại có thời gian rỗi nên từ khi các con còn bé, chị Bình rất chăm lo việc ăn uống. Của ngon vật lạ, những món ăn công phu, chị đều không tiếc công, tiếc của để làm cho con ăn. Thế nhưng, nhiều lúc đưa con đi ăn tiệc ở nhà người quen hoặc nhà hàng, chị Bình không khỏi xấu hổ khi 2 cậu con trai cứ ngồi vào bàn là “ăn như chưa bao giờ được ăn” vậy.
Hai cậu bé thi nhau đảo chọn món ngon trong đĩa, ăn uống ồn ào và không quan tâm đến thái độ của những người xung quanh. Chị đã nhiều lần nhắc nhở con nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Chị Bình buồn bã chia sẻ: “Có lẽ do tôi đã chiều chuộng con không đúng cách, không rèn cho các con thói quen nhường nhịn, từ tốn trong ăn uống từ bé nên giờ lớn lên khó uốn nắn. Nhưng muộn còn hơn không”.
Khác với con chị Bình, con gái anh Châu (TX Hồng Lĩnh) lại quá “khảnh ăn”. Đã học lớp 6 nhưng bé Bông chỉ nặng chưa đầy 30 kg - cân nặng thấp hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Tính kén ăn của Bông không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân cô bé mà còn khiến vợ chồng anh Châu nhiều lúc rất bực mình.
Giáo dục những quy tắc văn hóa trong bữa ăn góp phần hình thành nên những đứa trẻ văn minh. (Trong ảnh: Bữa ăn trưa của cô trò Trường Mầm non Nam Hồng - thị xã Hồng Lĩnh).
Cô bé gần như không có hứng thú với việc ăn uống, luôn tỏ ra khó chịu mỗi khi ngồi vào bàn ăn. Dù là bữa cơm gia đình hay đi dự tiệc, Bông cũng bĩu môi chê bai thức ăn, nếu không ăn uống hời hợt thì cũng ngồi chống đũa chẳng vui vẻ gì. Nhiều lần anh Châu đã phải giáo huấn con về thái độ lịch sự trên bàn ăn, nhưng đó dường như cũng đã trở thành thói quen khó bỏ của cô bé.
Những trường hợp như con chị Bình, anh Châu không phải là hiếm gặp trong các gia đình hiện nay. Khi điều kiện kinh tế khá giả, hầu hết phụ huynh đều không để con thiếu thốn thức ăn. Trẻ được đáp ứng quá đầy đủ nhu cầu, sở thích ăn uống sẽ dễ hình thành tâm lý hoặc là chán ăn, hoặc là chỉ nghĩ đến “cơn thèm” của mình mà không biết nhường nhịn ai khác.
Ngoài thái độ của trẻ với đồ ăn, cách thức giao tiếp ứng xử trong mâm cơm cũng là điều đáng bàn. Nhiều đứa trẻ vẫn quên mất thói quen mời người khác ăn cơm trước khi cầm đũa, nói chuyện ồn ào trong bữa ăn, phát ra tiếng kêu khi nhai; làm rơi vãi thức ăn, khuấy đũa vào bát canh... Đó là những điều sẽ khiến một đứa trẻ trở nên kém văn minh trong mắt người đối diện. Vì vậy, phụ huynh rất cần giáo dục con văn hóa ứng xử cơ bản trong vấn đề này.
Bữa cơm của gia đình người Việt ẩn chứa nhiều đạo lý, là nơi gắn kết yêu thương giữa các thành viên.
Ảnh Internet.
Ngay từ tuổi tập ăn dặm, trẻ cần được rèn thói quen ngồi vào bàn ngay ngắn khi ăn; lớn hơn một chút là học cách sử dụng vật dụng như thìa, đũa, tập thói quen mời người khác dùng bữa. Đối với trẻ lớn thì việc quý trọng thức ăn, tôn trọng công sức và biết ơn người khác khi được mời ăn là điều không thể thiếu...
Bữa cơm gia đình của người Việt ẩn chứa nhiều đạo lý, là nơi gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, đồng thời thể hiện nét văn hóa ứng xử . Do vậy, trẻ cần được giáo dục những “nguyên tắc ngầm” để trở thành một người văn minh trong xã hội hiện đại.