Video: Nguy cơ tai nạn lao động ở làng nghề mộc Thái Yên.
Làng nghề mộc Thái Yên trước thuộc xã Thái Yên, đến cuối năm 2019 được sáp nhập với các xã Đức Thanh, Đức Thịnh thành xã Thanh Bình Thịnh. Nghề mộc Thái Yên có từ lâu đời và là “cần câu cơm” kiếm sống chính của người dân ở đây.
Ông Nguyễn Văn Cường - một người đã có nhiều năm gắn bó với nghề mộc ở Thái Yên cho biết, so với cách làm truyền thống, làm mộc hiện nay đã nhàn hơn nhiều, nhất là ở những khâu chế biến gỗ, bởi đã có nhiều máy móc hiện đại làm thay phần việc của con người. Tuy nhiên, máy móc thiết bị càng hiện đại thì nguy cơ mất an toàn lao động càng lớn. Người làm mộc bị cưa phải tay, chân ở làng này không còn là chuyện hiếm, kể cả những người có kinh nghiệm lâu năm.
Theo thợ làm mộc ở Thái Yên cho biết, có rất ít người làm nghề mộc được đào tạo sử dụng thiết bị máy móc, chủ yếu người này học người kia.
Sau những tai nạn lao động xảy ra thì người làng nghề tự trao đổi những kinh nghiệm riêng để khắc phục..
Nghề mộc là nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn lao động, thế nhưng, hầu hết người lao động làm việc ở làng nghề mộc Thái Yên trang bị đồ bảo hộ rất sơ sài, thậm chí không dùng đồ bảo hộ khi làm việc.
Nhiều người còn vô tư mài gỗ, xẻ gỗ mà không dùng đến găng tay, kính mắt hay khẩu trang, mặc cho những lưỡi cưa sắc nhọn có thể cứa vào tay bất cứ lúc nào....
Bầu không khí dày đặc bụi...
Ông Võ Khắc Nhuần - người làm nghề tiện gỗ ở Thái Yên cho biết, nghề mộc nguy nhiểm và độc hại, nhưng ít người sử dụng bảo hộ lao động...
... bởi vướng víu và kém năng suất.
Bên cạnh tai nạn lao động, làng mộc Thái Yên còn tồn tại một vấn đề đáng quan tâm là mặt bằng sản xuất tại đây khá hẹp.
Phần lớn các cơ sở sản xuất đều nằm xen kẽ trong khu dân cư, các vật liệu sản xuất là đồ gỗ dễ cháy, thế nhưng, nhiều cơ sở không được trang bị các thiết bị phòng cháy, chữa cháy hay biển, bảng nội quy làm việc; không có tủ thuốc sơ cứu, cấp cứu..
Hiện làng mộc Thái Yên có hơn 1.000 cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đồ gỗ, thu hút hàng ngàn lao động.
Nghề mộc đã làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống cho người dân Thái Yên. Không chỉ những hộ trực tiếp làm nghề, nghề mộc còn tạo điều kiện cho nhiều gia đình khác mở các cửa hàng dịch vụ “ăn theo”.
Ông Đoàn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh cho biết, mặc dù xã thường xuyên tuyên truyền trên loa truyền thanh về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và đảm bảo vệ sinh môi trường, tuy nhiên, mỗi năm vẫn xảy ra hàng chục vụ tai nạn lao động do máy cắt, máy cưa cắt ngón tay, ngón chân tại làng nghề.
Thời gian tới, xã sẽ tăng cường huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; kiểm tra các quy định về an toàn vệ sinh lao động ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh nghề mộc để đảm bảo an toàn cũng như sức khỏe của người lao động.