Trao đổi với SK&ĐS, BS.CKII Phan Hồng Mai - Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt TPHCM cho biết, kính áp tròng ban đêm (tên gọi là kính Ortho-K) là loại kính áp tròng cứng điều chỉnh các tật khúc xạ về mắt. Kính được đeo vào ban đêm trong lúc ngủ, giúp duy trì và hạn chế tăng độ cận thị. Nhờ đó ban ngày, người dùng sẽ vẫn nhìn thấy mọi vật, sinh hoạt, học tập, chơi thể thao mà không cần đeo kính gọng.
Kính áp tròng ban đêm Ortho-K chỉ sử dụng khi đi ngủ và giúp ban ngày người bị cận thị không phải đeo kính.
Đeo kính áp tròng ban đêm Ortho-K để ban ngày nhìn rõ
Theo BS.CKII Phan Hồng Mai, phương pháp đeo kính áp tròng ban đêm nguyên tắc là sẽ dùng kính áp tròng cứng đeo vào ban đêm để làm phẳng trung tâm giác mạc khi ngủ. Theo đó sẽ là làm bớt hoặc giảm bớt, hết cận thị tạm thời. "Có nghĩa là nếu như ban đêm chúng ta đeo cái lens (kính áp tròng) đó thì ban ngày sẽ không phải đeo kính. Tuy nhiên, nếu như chúng ta ngưng một thời gian không đeo, có thể một ngày hay vài ngày thì cái giác mạc nó trả lại cái độ cong ban đầu và cận thị nó sẽ quay trở lại", bác sĩ Mai chia sẻ.
BS.CKII Phan Hồng Mai nhấn mạnh, đeo kính Ortho-K không phải là phương pháp điều trị vĩnh viễn mà chỉ là tạm thời. Do đó, các em học sinh chưa đến tuổi phẫu thuật mà muốn không đeo kính thì có thể sử dụng phương pháp này.
Kính áp tròng ban đêm (Ortho-K) chỉ thích hợp với những người có độ cận thị, loạn thị thấp
Theo bác sĩ Mai, kính áp tròng ban đêm Ortho-K là loại kính áp tròng dạng cứng khi đeo vào ban đêm sẽ làm phẳng giác mạc hơn ở vùng trung tâm. Như vậy nó sẽ làm giảm cái công suất hội tụ của mắt, làm giảm cận thị đi.
Tuy nhiên, kính mắt áp tròng ban đêm Ortho-K có chỉ định cho những người có độ cận và loạn thấp, không áp dụng được với những người có độ cận hay loạn thị cao, thích hợp cho người có độ cận từ 5 độ trở xuống và độ loạn dưới 1,5 độ.
Về độ an toàn của kính Orth-K, Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt TPHCM cho hay Ortho- K là một dạng kính áp tròng, bản thân nó không có nguy hiểm. Tuy nhiên không phải ai cũng phù hợp với loại kính này.
Cũng theo bác sĩ Mai, việc giữ vệ sinh khi sử dụng kính Ortho-K rất quan trọng. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp sử dụng kính Ortho-K không đúng hướng dẫn sau đó bị viêm mắt, nhiễm trùng phải đến Bệnh viện Mắt TPHCM thăm khám và điều trị.
Ưu điểm và nhược điểm khi sử dụng kính áp tròng ban đêm
Ưu điểm rõ ràng của Ortho- K theo bác sĩ Mai đó là, các bé bị cận thị nhẹ khi đeo kính áp tròng ban đêm, sáng ra tháo kính ra có thể đi học, sinh hoạt, chơi thể thao mà không cần phải đeo kính. Thứ hai là nó sẽ giúp kiểm soát tăng độ cận thị. Thực tế cho thấy, trẻ em dưới 18 tuổi không được chỉ định phẫu thuật laser cho dù phụ huynh có nguyện vọng. Như vậy, kính Ortho-K là một giải pháp tạm thời cho những người mà chưa có chỉ định phẫu thuật laser.
Về nhược điểm, bác sĩ Mai cho hay, phương pháp Ortho-K đòi hỏi sự chăm sóc rất là nhiều, nếu như không chăm sóc kỹ thì rất nguy hiểm. Đối với trẻ nhỏ quá, chưa tự vệ sinh được kính thì không nên sử dụng.
"Tôi ví dụ một bé cỡ 5,6 tuổi thì rất khó cấm dụi mắt. Trong khi đó, vào ban đêm, khi bé đeo cái kính dạng cứng đó xong rồi dụi mắt thì nó sẽ rất nguy hiểm. Vậy nên, theo tôi chỉ nên đeo kính Ortho-K ở lứa tuổi mà trẻ em có thể hợp tác được với mình, cụ thể là trên 10 tuổi", bác sĩ Mai chia sẻ.
BS.CKII Phan Hồng Mai - Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt TPHCM. Ảnh: Kim Vân
Những lưu ý khi dùng kính áp tròng Ortho-K ban đêm
Thứ nhất đó là cách đeo kính, lắp và tháo kính. Theo bác sĩ Mai, kính áp tròng ban đêm là kính cứng, nếu chúng ta đeo vào hoặc tháo ra không đúng nguyên tắc thì có thể làm trầy mắt. Chưa kể nếu kính áp tròng đó không được vệ sinh tốt, những chất tiết dơ bám vào trong kính không được vệ sinh hằng ngày đúng cách, thì những vi trùng từ kính đó sẽ gây nên viêm mắt người sử dụng, có những trường hợp làm mất thị lực.
"Chúng ta cần tuân thủ những nguyên tắc đeo kính đã được các chuyên gia hướng dẫn, ví dụ như là khi đeo kính áp tròng ban đêm đi ngủ thì chỉ đeo vào lúc ngủ chứ không đeo ban ngày. Tiếp đó là cần phải làm theo đúng hướng dẫn đeo kính vào, gỡ kính ra, vệ sinh kính thật tốt vì kính đó là kính tái sử dụng. Mỗi ngày phải tháo ra ngâm rửa, vệ sinh kỹ để sử dụng tiếp. Thời gian sử dụng kính Ortho-K tương đối lâu (theo chỉ định nhà sản xuất thì nó khoảng một năm)", bác sĩ Mai hướng dẫn.
Điều đặc biệt ở kính Ortho-K đó là, người sử dụng khi bị viêm, trầy lại thường ở ngay trung tâm giác mạc (ngay tầm nhìn của mình - PV). Nếu như viêm khác liên quan đến kính thường xảy ra ở chu biên, không nằm trong trục thị giác thì không ảnh hưởng nhiều nhưng đối với kính áp tròng Ortho-K này, nếu có viêm nhiễm, nhiễm trùng có để lại sẹo thì thường nằm ngay trung tâm giác mạc, dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn và không có thể hồi phục lại được.
Cũng theo BS.CKII Phan Hồng Mai, phương pháp Ortho-K luôn luôn có tác dụng đối với người trưởng thành bị cận thị. Tuy nhiên, phẫu thuật khúc xạ mắt bằng kỹ thuật laser sẽ được lâu dài hơn, tránh được những nguy cơ rủi ro hơn.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Mai, kính Ortho-K chỉ dùng cho người có độ cận thấp. Theo Tổ chức FDA (cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm hay Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ), phương pháp Ortho-K phù hợp cho người có độ cận từ 5 độ trở xuống và độ loạn dưới 1,5 độ.
Thực tế cho thấy, hiện nay rất nhiều người sử dụng kính Ortho-K đại trà, có những người có độ cận thị cao vẫn dùng.
"Đó là chống chỉ định của FDA, FDA không cho phép và những trường hợp này dễ dẫn đến hậu quả khôn lường. Kính Ortho-K cần phải định tâm, có nghĩa là khi đi ngủ thì kính vẫn phải nằm ở trung tâm giác mạc. Do giác mạc cong nên cái kính phải ép ở ngay trung tâm giác mạc mới có hiệu quả. Nếu như kính lật, trượt đi thì hiệu quả Ortho-K sẽ không còn nữa và gây mất cái thị lực. Người có độ cận hay độ loạn cao quá thì kính đó không thể nào định tâm được và nếu để lâu ngày có khả năng bị xẹp giác mạc nhiều", bác sĩ Phan Hồng Mai khuyến cáo.