Vợ chồng ông Nghĩa lưu giữ nhiều văn bản, giấy tờ chứng minh quyền lợi hợp pháp trên diện tích đất rừng đang tranh chấp ở thôn Đồn Thượng, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang - Hà Tĩnh
Ông Nghĩa cho biết: Thửa đất rừng 3.200m2 ở xứ eo xuôi Trần Động của mình (ở thôn Đồn Thượng, xã Đức Liên, Vũ Quang) giáp với trang trại của ông Nguyễn Tùy. Đến năm 2006 ông Tùy mất, trang trại kề bên được để lại cho con là anh Nguyễn Minh Đức.
Trước đó, hai bên không hề có tranh chấp, nhưng đến năm 2014, ông Đức bất ngờ đưa ra một quyết định cấp đất đầy "nghi ngờ" và tuyên bố sẽ lấy hết toàn bộ diện tích của 4 hộ liền kề, trong đó có lâm phần của gia đình ông Nghĩa (hiện chỉ có tranh chấp giữa ông Nghĩa và ông Đức - PV). Do chính quyền địa phương không giải quyết được, ông Đức đã gửi đơn ra tòa án...
Đường vào mộ phần người thân và đất sản xuất của gia đình ông Nghĩa và các hộ: Nguyễn Cư, Nguyễn Triện, Nguyễn Đình Quyến luôn bị ông Đức "phong tỏa" bằng cổng sắt.
Qua tìm hiểu sự việc, chúng tôi nhận thấy, mặc dù ông Đức là người đứng đơn gửi tòa án đề nghị giải quyết tranh chấp, nhưng cơ sở đưa ra chưa thuyết phục.
Theo đó, căn cứ để ông Đức "đòi" đất ông Nghĩa và các hộ lân cận là quyết định ngày 18/3/1994 của UBND huyện Đức Thọ (trước đây xã Đức Liên thuộc huyện Đức Thọ - PV). Trong quyết định này, ông Đức được giao đất để SX-KD mục đích lâm nghiệp. Tuy nhiên, quyết định này lại không có số, biên bản giao đất đi kèm không có chữ ký rõ ràng và nhiều chi tiết cần xác minh...
Phần mộ thân phụ ông Nghĩa được cho là cải táng năm 1989 tại vị trí có khoảnh đất đang tranh chấp...
Trái với ông Đức, ông Nghĩa tuy là "bị đơn" nhưng lại có những cơ sở đáng tin tưởng hơn. Theo đó, tại hiện trường, chúng tôi thấy hàng trăm cây keo tràm được trồng lâu năm, có đường kính khá lớn, do gia đình ông Nghĩa trồng. Trong vùng đất tranh chấp còn có phần mộ của thân phụ ông Nghĩa được cải táng tại đây và được cho là đưa lên vào năm 1989. Ở hiện trường còn có một con mương đào, được trồng tre trên bờ và một số loại cây cối khác để làm ranh giới phận định giữa các lô đất...
Con mương và những bụi cây được làm để phân định ranh giới giữa hai bên được con trai ông Tùy (cũng là em trai ông Đức) làm nay vẫn còn tồn tại...
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ông Nghĩa, nhiều người dân trong thôn đã ký tên làm chứng cho việc gia đình đã sản xuất sắn, trồng keo, cải táng mộ cha, làm phân định ranh giới tại khu vực tranh chấp.
Đặc biệt, trong số này có nội dung làm chứng của ông Nguyễn Văn Đồng (em ruột của ông Đức) với nội dung: “Theo lời dạy của cha tôi là ông Nguyễn Tùy, tôi đã đào hào trồng tre hóp giữa anh Nghĩa Hóa (ranh giới giữa anh Nghĩa với ông Tùy - PV) để không ai lấn nhau”.
Những cây keo có đường kính khá lớn, được gia đình ông Nghĩa trồng từ năm 2004
Làm việc với chúng tôi, ông Trương Thanh Hà - Phó trưởng phòng TN&MT huyện Vũ Quang cho biết: “Hiện nay, vụ việc đang được TAND huyện Vũ Quang thụ lý nên chúng tôi không thể can thiệp. Chỉ đến khi có phán quyết của tòa thì cơ quan nhà nước mới có các bước xử lý tiếp theo. Và quyền lợi của ông Nghĩa phụ thuộc rất nhiều vào việc tòa án công nhận hay không quyết định giao đất của UBND huyện Đức Thọ tại thời điểm năm 1994".
Ông Nghĩa băn khoăn, nghi ngờ về Quyết định giao đất không số và nhiều chi tiết không rõ ràng khác của UBND huyện Đức Thọ
Như vậy có thể khẳng định rằng, việc tranh chấp đất rừng giữa ông Nghĩa với ông Đức vẫn cần phải có thời gian để tòa án và các cơ quan chức năng xử lý. Mọi vấn đề cần phải được giải quyết theo trình tự, quy định pháp luật. Tuy nhiên, các yêu cầu, nguyện vọng của ông Lê Sỹ Nghĩa cần phải được quan tâm bảo vệ, xử lý ổn thỏa.