Giá lợn hơi đạt 41.000 - 43.500 đồng/kg
Trong khi cơn bão dịch tả lợn châu Phi “tấn công” nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh, mỗi tháng, trại lợn của ông Phạm Văn Cảnh – Giám đốc Hợp tác xã Hợp Lực (thị trấn Cẩm Xuyên) vẫn đều đều xuất lợn thương phẩm đi các tỉnh. Ông Cảnh chia sẻ: “Đợt tháng 7, tôi xuất gần 400 con, tháng 8 vừa rồi thì xuất gần 500 con. Giá đợt tháng 7 chỉ đạt 35.000 đồng/kg nhưng sang tháng 8 đã tăng lên 41.000 đồng/kg. So với thời điểm trước khi có dịch trên địa bàn, mức giá này cao hơn khá nhiều. Trừ chi phí, gia đình còn lãi khoảng 600.000 đồng/con”.
Giá lợn hơi hiện đang trên đà tăng, đạt từ 41.000 - 43.500 đồng/kg nên nhiều trang trại đang tiến hành xuất bán để chốt lời
Với giá 41.000 đồng/kg, lứa lợn vừa qua, ông Cảnh thu về 300 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí con giống, thức ăn, công chăm sóc… Khi nhiều hộ chăn nuôi phải “chật vật” chống dịch thì đây được coi là thắng lợi lớn với gia đình ông Cảnh. Ngoài ông Cảnh, những ngày qua, nhiều trại lợn quy mô lớn trên địa bàn vẫn đều đặn xuất bán lợn thương phẩm với giá cao. Đặc biệt, các trại chăn nuôi liên kết với Công ty CP Việt Nam dịp này đều thắng lớn.
Trước khi vào trại, xe của Công ty CP Việt Nam được phun tiêu độc khử trùng để phòng dịch lây lan trên đàn lợn
Có mặt tại trại chăn nuôi lợn liên kết với Công ty CP của gia đình anh Trần Quốc Tuấn (xóm Bình Hải, xã Hương Bình, Hương Khê), chúng tôi chứng kiến hơn 1.000 con lợn thịt được xuất bán với giá 43.500 đồng/kg. Lợn trước khi xuất bán được tiến hành lấy mẫu xét nghiệm an toàn dịch bệnh, xe chở lợn được phun tiêu độc khử trùng để phòng dịch tả lợn châu Phi.
Lợn trước khi xuất bán phải qua kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm an toàn dịch bệnh
Anh Phạm Xuân Phương – nhân viên Công ty CP Việt Nam cho biết: “Trên địa bàn Hà Tĩnh, công ty chúng tôi hiện liên kết với 62 trại chăn nuôi lợn, mỗi trại có quy mô từ 500 – 2.000 con. Riêng tháng 8 này, có 10 trại đã xuất bán hơn 5.000 con với mức giá giao động từ 41.000 – 43.500 đồng/kg. Được giá nên thời gian tới, nếu lợn đạt đủ trọng lượng thì chúng tôi sẽ cho xuất chuồng sớm vì trong cơn "bão dịch", công ty cũng lo ngại bị ảnh hưởng”.
Các trang trại quy mô lớn khó giảm đàn
Một thực tế đang diễn ra ở các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh là mặc dù lo ngại dịch tấn công nhưng hiện nay, chủ các trại lợn không thể giảm đàn. Ông Nguyễn Văn Sửu – chủ trại lợn nái quy mô 300 con trên địa bàn xã Tân Lộc (Lộc Hà) chia sẻ: “300 con lợn nái thì trong năm sản xuất khoảng 6.000 con lợn con. Như các năm, chúng tôi chỉ giữ lại nuôi khoảng 70%, còn lại là bán cho bà con trong vùng. Nhưng hiện nay, do dịch bệnh nên bà con không tái đàn, thành ra chúng tôi phải "ôm" nuôi luôn. Vì vậy, có muốn giảm đàn cũng khó”.
Lợn nái tại trang trại của ông Nguyễn Văn Sửu (Tân Lộc - Lộc Hà) vẫn đều đặn sản xuất giống
Trong tình thế không thể giảm đàn, ông Sửu cùng các chủ trang trại lợn trên địa bàn Hà Tĩnh đặc biệt chú trọng khâu phòng dịch. Theo đó, mọi quy trình đều được tuân thủ nghiêm ngặt, công nhân cả tháng trời không được rời khỏi trại, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nhờ vậy mà hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trang trại quy mô lớn bị dịch tả lợn châu Phi.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, tính đến thời điểm hiện tại, tổng đàn lợn trên địa bàn toàn tỉnh ước khoảng 406.000 con, giảm so với thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát gần 40.000 con.
Với giá lợn hơi tiếp tục tăng như hiện nay, việc giảm đàn ở các trang trại lợn là điều khó
Anh Phan Quý Dương – Trưởng phòng Quản lý thuốc và thức ăn chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh chia sẻ: “Tổng đàn lợn giảm là ở quy mô nông hộ, còn các trang trại lớn thì vẫn không giảm. Toàn tỉnh hiện có 182 trang trại chăn nuôi lợn quy mô, chiếm trên 50% tổng đàn lợn. Ở các trang trại này, có muốn giảm cũng rất khó vì đàn nái vẫn duy trì và sản xuất con giống đều đặn. Trong khi tình hình giá lợn đang ngày một tăng như hiện nay thì việc chỉ đạo các trang trại này giảm đàn lại càng khó hơn”.
Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn diễn biến phức tạp, chủ trương của tỉnh là không mở rộng tái đàn. Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh khuyến cáo các chủ trang trại cần chọn nuôi những con giống tốt và loại thải những con giống kém chất lượng. Song song với đó, công tác phòng dịch cần phải được tuân thủ nghiêm ngặt để không xảy ra hậu quả nghiêm trọng.