Công ty CP Phát triển Nông lâm cấm trại phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Nước mắt xuôi theo dịch tả lợn châu Phi
Chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình của mình từ những người nông dân chăn nuôi quy mô nhỏ. Bởi lẽ hai lý do, đó là nơi ổ dịch DTLCP đang phát sinh; thứ nữa, những người chăn nuôi nhỏ lẻ dẫu sao cũng chịu nhiều tổn thương. Với họ, đàn lợn không chỉ mục tiêu kinh tế, đó vốn là cơ nghiệp của nhà nông.
Chuồng trại của gia đình anh Đặng Văn Đoàn (thị trấn Cẩm Xuyên) trống huơ, trống hoác sau dịch tả lợn châu Phi
Chưa bao giờ quang cảnh nhà bà Võ Thị Tri ở thôn Hưng Đạo, xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên) lại vắng vẻ như bây giờ. Đáng lẽ, vào tầm này, bà phải tất tả lo thức ăn cho con lợn nái vừa mới sinh, rồi lại chăm sóc đàn lợn 11 con chưa cai sữa. Từ ngày bị DTLCP tấn công, chuồng trại vắng lặng, vôi bột được rắc trắng xóa từ sân, vườn đến khu vực chăn nuôi.
Bà Võ Thị Tri mất đàn lợn 12 con, trong đó có 1 nái và 11 lợn sữa
Mỗi khi nhắc đến đàn lợn 12 con bị tiêu hủy, đôi mắt bà vẫn chùng xuống. Bà kể: “Đầu tiên, con lợn nái có biểu hiện bỏ ăn, nằm rạp giữa sàn. Tôi vội vàng lên báo với xã thì quay về lợn đã chết rồi. Một ngày sau đó, toàn bộ đàn lợn bị tiêu hủy vì dương tính với DTLCP, buộc phải đào hố chôn để khống chế mầm bệnh. Nhìn những con lợn con còn quẫy đạp mà xót lòng”. Bà tính, lứa lợn này bà “mất trắng” 15 - 17 triệu đồng.
Số tiền này chẳng phải nhỏ đối với những người nông dân như bà Tri. “Nông dân như chúng tôi không làm nông, nuôi lợn thì biết làm gì. Con lợn nái này tôi đã nuôi gần 10 năm, mất nó cũng như mất đi cơ nghiệp”, bà Tri buồn rầu.
Hiện Hà Tĩnh đã có 16 địa phương "dính" dịch tả lợn châu Phi
Ở thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh có 20 hộ của 16 phường, xã của 4 địa phương có DTLCP và tất cả đều xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trước mắt, những người chăn nuôi như bà Võ Thị Tri ở Cẩm Lạc và 11 hộ chăn nuôi có lợn bị “dính” DTLCP ở Hà Tĩnh còn cơ man những bộn bề.
Rồi đây, chuồng trại đành phải ngưng trệ trong một thời gian dài, kinh tế hao hụt, người nông dân còn phải “đặt lên bàn cân” có nên tái đàn?. “Theo khuyến cáo của cơ quan thú y, cứ 2-3 ngày tôi lại rắc vôi bột khử trùng, vệ sinh chuồng trại. Tuy nhiên, vi-rút DTLCP đã ngấm vào đất, tồn tại trong môi trường, tôi không dám nuôi lợn trở lại nữa nhưng nghĩ đến vật nuôi khác cũng e ngại vì chưa có kinh nghiệm, vốn” - anh Đặng Văn Đoàn (tổ dân phố 6, thị trấn Cẩm Xuyên) cho hay.
Nguy cơ về cuộc “khủng hoảng thừa”…
Đường dẫn đến trang trại chăn nuôi lợn của Công ty CP Phát triển nông lâm Hà Tĩnh (Tổng công ty KS&TM Hà Tĩnh) tại xã Phú Lộc, Can Lộc được phủ bằng những lớp vôi trắng xóa, tạo thành từng lớp. Từ đường lớn vào đến trang trại, công ty lập 3 chốt phun tiêu độc khử trùng. Sau 1 năm cấm trại, đây là thời điểm công ty phải thừa nhận tình thế nguy cấp nhất cho đàn lợn gần 18.000 con.
Mỗi tháng, Công ty CP Phát triển Nông lâm mất 100 triệu đồng cho việc thuê xe trung chuyển lợn, tránh việc tiếp xúc trong trại chăn nuôi
Ông Mai Khắc Mại - Giám đốc Công ty cho biết: “Mỗi tháng, công ty chi 1,5 tỷ đồng cho công tác phòng dịch. Chúng tôi còn phải thuê xe trung chuyển với 100 triệu đồng/tháng chở lợn từ các trại ra nơi tập kết xuất bán để hạn chế thấp nhất sự tiếp xúc với đàn lợn trong chuồng nuôi. Chi phí “đội” lên rất nhiều nhưng giá lợn lại xuống thấp, không ổn định dù ở Can Lộc chưa xảy ra dịch”.
Cũng theo ông Mại, giá lợn từ trang trại xuất đi các thị trường khoảng 34.000 đồng/kg, thế nhưng có thời điểm chỉ 27.000 đồng/kg vẫn phải bán để cầm cự. “Lệnh cấm trại đã thực hiện suốt 1 năm qua, trong khi chăn nuôi vẫn phải duy trì. Hiện nay, công ty có 2.500 nái, 11.000 con lợn thương phẩm và 4.500 lợn con, lợn cai sữa mỗi tháng. DTLCP còn kéo dài bao nhiêu thì chúng tôi như lửa đốt bấy nhiêu, giá cả lợn hơi cứ ảm đạm thì các trang trại lớn dự báo lỗ là điều khó tránh khỏi”.
Đã phát lệnh cấm trại gần 1 năm nay, hoạt động của trang trại chỉ cầm chừng chống "bão" dịch
Hơn thế, điều khiến các trang trại chăn nuôi lớn đau đầu là cuộc "khủng hoảng thừa" giống lợn. Chắc chắn, việc tái đàn của người chăn nuôi tới đây sẽ co hẹp lại. Điều đó đồng nghĩa với việc con giống từ các trại chăn nuôi lớn “ứ” đầu ra. Cứ mỗi tháng, trang trại này có thêm hàng trăm lợn con ra đời, nếu tổng đàn các hộ chăn nuôi giảm xuống, môi trường chăn nuôi tiếp tục bị đe dọa bởi dịch bệnh, số lợn giống này sẽ tiêu thụ ở đâu?
Cách đây 2 năm, thời điểm "bão" giá lợn, nhiều ông chủ chăn nuôi cũng đã đối mặt với thực trạng này. Mở rộng chuồng trại, thuê chuồng của dân để chăn nuôi lợn thịt, thậm chí là tiêu hủy bớt lợn con mới ra đời để tồn tại.
Ông Nguyễn Tiến Sơn (xã Cẩm Sơn, Cẩm Xuyên) cho biết: “Thời điểm đó, chỉ duy nhất khó khăn về giá, còn bây giờ tồn đọng do dịch nguy hiểm hơn nhiều. Môi trường chăn nuôi đã ảnh hưởng vi-rút DTLCP, bà con có thể ngưng tái đàn vô thời hạn. Vốn cạn kiệt, tôi phải bán cả xe để cầm cự với đàn lợn nhưng nếu cứ tình trạng thừa kéo dài, chắc những trại nái không thể trụ vững”.
Từ 2017 tới nay, trang trại lỗ 13 tỷ đồng và trong vòng 3 tháng, số lợn giống thừa ra 5.000 con. Không xuất bán được, ông Sơn buộc để lại, nhưng thay vì quy định nhốt 30 con lợn/ô thì chuồng trại đã quá tải với 500 con/ô. Mỗi tháng, trang trại này tiếp tục "đón" thêm 500 con lợn con ra đời!
Không biết đến bao giờ các địa phương hết sử dụng những chiếc biển cấm như thế này?
Hiện nay, tổng đàn nái của Hà Tĩnh đã đạt khoảng 43.000 con, trong đó đàn nái trong trang trại tập trung là 20.000 con (tăng 2,8 lần so với năm 2011). Theo tính toán, mỗi năm mỗi con nái sẽ sinh sản 2,2 lứa với khoảng 10,5 con/lứa.
Những chiếc hố rắc vôi chứa lợn bệnh bị tiêu hủy sẽ còn ám ảnh người chăn nuôi vì đại dịch DTLCP. Bóng đen của nó còn uy hiếp nhiều vùng nuôi và cả môi trường chăn nuôi Hà Tĩnh. Nhưng có lẽ, đó là “phép thử” của thị trường để ngành chăn nuôi tạo sự “lột xác” thực sự mạnh mẽ, đúng đường…