Chủ động phun phòng sớm, lúa xuân không bị ảnh hưởng nặng nề bệnh đạo ôn lá
Thời điểm này năm ngoái đang là giai đoạn căng thẳng nhất của bệnh đạo ôn trên lúa xuân ở xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên). Hàng chục ha bị bệnh đạo ôn hoành hành, nhiều diện tích cháy lụi không thể phục hồi...
Ông Võ Hữu Dữ - Trưởng ban Khuyến nông xã Cẩm Lạc cho biết: “Năm nay, toàn xã có khoảng 5 ha bị nhiễm đạo ôn lá (trong tổng số 450 ha lúa xuân 2019), chỉ bằng khoảng 1/5 so với năm 2018. Tuy vẫn có một số ruộng bị nhiễm nặng nhưng nhờ chủ động xử lý sớm nên mầm bệnh được khống chế, “cắt” được lây lan. Hiện nay, xã vẫn thường xuyên tuyên truyền trên các kênh thông tin để bà con tiếp tục theo dõi đồng ruộng. Tuy nhiên, bệnh đã không còn phát sinh mới và lúa đang phát triển ổn định”.
Nhiều diện tích đang phục hồi và sinh trưởng tốt
Theo dự kiến, khoảng ngày 5/4 tới, Cẩm Lạc sẽ có trà lúa đầu tiên trổ bông, nếu trong điều kiện chăm sóc tốt, cộng với sự ủng hộ của thời tiết thì khả năng số diện tích này sẽ qua được “cửa ải” của bệnh đạo ôn năm nay. “Vì là địa phương có ổ dịch cũ nên tiếp tục phải cảnh giác với giai đoạn phát sinh trở lại của bệnh đạo ôn trên cổ bông. Mong rằng, việc thay đổi cơ cấu bộ giống mới sẽ giúp bà con ứng phó an toàn trong giai đoạn sắp tới”, ông Dữ cho biết thêm.
Trở lại Đức Thọ vào những ngày này, lúa xanh tốt bời bời. Gần như các vết tích của bệnh đạo ôn lá ở những nơi khởi phát và diện tích nhiễm lớn như: Đức Thủy, Trung Lễ, thị trấn Đức Thọ chỉ còn lại những dấu bệnh mãn tính.
Chị Phan Thị Tứ (thị trấn Đức Thọ) cho hay: “Nhờ phun đúng thuốc, chủ động sớm nên những diện tích bị đạo ôn “ăn” phục hồi nhanh bộ lá. Lúa đang bước vào thì “con gái”, đang phát triển rất tốt và không còn có dấu hiệu phát sinh trở lại của bệnh”.
Dù diện tích lớn nhất tỉnh, song Đức Thọ vẫn là địa phương có thời gian khống chế sớm nhất, nhờ vậy, cây lúa có thời gian phục hồi, bổ sung lại bộ lá hư hại do bệnh gây ra.
Năm nay, hình thái thời tiết diễn biến khá phức tạp, nhiệt độ ngày và đêm ở nhiều thời điểm chênh lệch khá lớn; âm u, ẩm ướt kéo dài, nhất là từ sau tết Nguyên đán. Thế nhưng, diện tích bị nhiễm đạo ôn lá toàn tỉnh vào thời điểm cao nhất chỉ ở mức gần 240 ha, bằng 1/10 so với vụ xuân 2018.
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh cho biết: “Chính nhờ sự vào cuộc sớm của các địa phương, trong đó có sự phối hợp của những công ty cung ứng thuốc BVTV, nhiêu ổ dịch đã cắt được mầm lây lan khi vừa phát sinh. Đến thời điểm này có thể khẳng định, lúa xuân Hà Tĩnh đã thoát bệnh đạo ôn lá gây hại. Qua kiểm tra, các vết bệnh đã chuyển sang mãn tính, bệnh không còn tồn tại ngay cả những vùng xung yếu”.
Dẫu vậy, lúa xuân vẫn nằm trong "tầm ngắm" của đạo ôn cổ bông
Tuy nhiên, theo ông Hà, nói như thế không có nghĩa lúa xuân đã an toàn từ nay đến cuối vụ. Tiềm ẩn mầm bệnh vẫn là mối đe dọa cho cây lúa ở thời kỳ sinh trưởng tiếp theo. Khi qua được bệnh đạo ôn lá thì cũng là lúc người nông dân chuẩn bị cho cuộc chiến với bệnh đạo ôn trên cổ bông.
“Đây là giai đoạn quan trọng, nếu không phòng trừ kịp thì hậu quả của dịch bệnh sẽ ảnh hưởng nặng nề đến thu hoạch cuối vụ. Các địa phương phải thường xuyên cảnh giác, theo dõi để có biện pháp ứng phó thích hợp với sự phát sinh của bệnh. Nhất thiết, ở những diện tích đã nhiễm đạo ôn lá, trên bộ giống nhiễm, những ruộng có màu xanh mượt, thừa đạm phải được phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông sớm”, ông Hà cho biết thêm.