Bé Nguyễn Minh Đạt (sinh năm 2014) là con trai thứ hai của chị Quyên, năm 2 tuổi được phát hiện bị rối loạn phổ tự kỷ (tăng động, giảm chú ý, gặp khó khăn về ngôn ngữ và khả năng giao tiếp). Trải qua hành trình dài gian nan, đến nay, Đạt đã biết nói chuyện, giao tiếp, biết đọc, biết viết.
Đạt được các cán bộ, nhân viên Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hà Tĩnh hướng dẫn học và điều trị chứng rối loạn phổ tự kỷ.
Chị Quyên chia sẻ: “Hơn 2 tuổi, Đạt vẫn chưa biết nói, không thích chơi với ai, ai gọi cháu cũng không trả lời, hễ mở cửa nhà là cháu lại chạy đi một cách vô định, không ý thức được hành động của mình. Khi đưa con đi khám, tôi mới biết cháu bị rối loạn phổ tự kỷ. Lúc ấy tôi thực sự hoang mang, không biết có tìm được thầy được thuốc để chữa lành bệnh cho con không”.
Bao suy nghĩ cứ đè nặng lên tâm tư của người mẹ trẻ nhưng với sự quan tâm, động viên của người thân, những tháng ngày bất ổn dần qua, chị Quyên chấp nhận với thực tế không may mắn của con mình và bắt đầu tìm hiểu, sống chung với những niềm vui, nỗi buồn trong thế giới của Đạt.
Chồng thường xuyên đi làm xa nhà, con trai đầu còn nhỏ, chị Quyên đã phải nghỉ việc may vá, tập trung chăm sóc và đưa Đạt đi chạy chữa. Hơn 4 năm rong ruổi khắp các bệnh viện, trung tâm dành cho trẻ hòa nhập, hành trình của hai mẹ con rất gian nan.
Thời gian đầu, chị Quyên đưa con ra TP Vinh (Nghệ An) thuê trọ để chữa trị nhưng hơn 1 năm mà bệnh tình Đạt không có dấu hiệu khả quan. Trong lúc vô vọng đó, chị Quyên nhận được thông tin Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Hà Tĩnh có thể điều trị cho các bé bị mắc chứng tự kỷ. Và hành trình mới của hai mẹ con lại bắt đầu.
Hằng ngày, chị Quyên cùng Đạt xuống Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh để điều trị.
Từ năm 2018 đến nay, dù nắng gắt hay mưa to, gió rét, ngày nào hai mẹ con chị Quyên cũng đều đặn vượt hơn 60 km đi về trên cung đường Hương Khê - TP Hà Tĩnh và ngược lại để học và tập luyện tại Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh.
Cứ 6h sáng, hai mẹ con lại dắt nhau ra bến xe huyện đón xe bus xuống TP Hà Tĩnh chữa trị rồi lại tất tả bắt xe trở về để cho con kịp tham gia lớp học ở trường buổi chiều cùng với các bạn đồng trang lứa.
Đạt tham gia các hoạt động theo hướng dẫn của các nhân viên y tế của Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh.
"Thời gian đầu Đạt vẫn không có chuyển biến rõ nét nên có những lúc tôi thấy nản lòng, cũng có lúc thấy mệt mỏi khi cháu không chịu hợp tác điều trị cùng các y bác sỹ.
Thế nhưng, nghĩ đến tương lai của con, tôi lại kiên trì phối hợp với các bác sỹ của bệnh viện, đồng hành cùng con trong hành trình học chơi, học nói và nhận biết các vật dụng quanh mình. Bệnh viện trở thành ngôi nhà thứ 2 và các y bác sỹ như là người thân của hai mẹ con” - chị Quyên bộc bạch.
Đạt đã dần biết viết, biết đọc.
Thật may mắn là chị Quyên không hề cô độc trên hành trình chữa bệnh cho con. Trái lại, trong suốt hành trình của mẹ con chị Quyên luôn có sự đồng hành của gia đình, hàng xóm láng giềng, các cô giáo, các y bác sỹ… Họ luôn hỗ trợ cùng vợ chồng chị để đưa Đạt hòa nhập với mọi người, không một ai xem Đạt là người khác biệt hay có thái độ kỳ thị. Nhiều hôm Đạt đi lạc đường, cả xóm chia nhau đi tìm giúp vợ chồng chị. Những điều giản dị như vậy đã khiến cho chị Quyên cảm thấy rất ấm lòng.
Sau hơn 4 năm kiên trì, vượt qua những khó khăn, vất vả, chị Quyên cũng đã được đền đáp xứng đáng khi Đạt đã cất tiếng nói đầu tiên ở tuổi thứ 6, rồi biết tự chăm sóc và vệ sinh cá nhân, biết đọc và biết viết thành thạo từng con chữ.
Niềm vui, hạnh phúc của gia đình chị tiếp tục được nhân lên khi ở tuổi thứ 7, Đạt đã có thể tự tin mỗi sáng chuẩn bị đồ dùng học tập, tư trang cá nhân và vui vẻ theo anh đến trường để học tập.
Niềm vui vô bờ bến của chị Quyên khi Đạt biết đọc, biết viết, dần có ý thức chăm sóc cho bản thân sau hành trình hơn 4 năm kiên trì điều trị.
Là người trực tiếp đồng hành cùng bé từ những buổi học đầu tiên, Thạc sỹ tâm lý Chu Thị Hoài - Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh chia sẻ: “Những buổi đầu đến lớp, Đạt còn chậm phát triển về tinh thần, thể chất, tình cảm, chúng tôi đã kiên trì, nhẫn nại đồng hành cùng gia đình cháu bằng việc xây dựng chương trình học và điều trị phù hợp nhất. Hôm nay nhìn thấy bé hòa nhập được cùng cộng đồng, chúng tôi cũng được tiếp thêm niềm tin để tiếp tục cố gắng hơn nữa trong công việc của mình”.
Con đường chữa trị cho Đạt chưa dừng lại ở đây, song những kết quả đạt được sau hơn 4 năm kiên trì sẽ là nguồn động lực, sức mạnh to lớn để vợ chồng chị Quyên và các y bác sỹ điều trị thành công chứng rối loạn phổ tự kỷ cho Đạt.