Chăn nuôi lợn với quy mô nông hộ từ 30-40 con/lứa mà không có bể bioga, không có hồ chứa đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại thôn Văn Xá, xã Đức Thủy
Mặc dù các hộ bị ảnh hưởng đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương, nhưng xã Đức Thủy chưa có biện pháp xử lý triệt để, khiến cho môi trường ở đây ngày càng ô nhiễm nặng, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Gia đình bà Trần Thị Chi (thôn Văn Xá, Đức Thủy) nhiều năm nay phải sống chung với mùi hôi thối và ô nhiễm môi trường do nước thải từ phân lợn tràn vào vườn bởi hồ chứa chất thải chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Chương và bà Nguyễn Thị Hiền nằm ngay trước nhà.
Bà Trần Thị Chi ngày đêm phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường từ phân lợn của nhà phía trước
Bà Trần Thị Chi tâm sự: "Do vườn nhà thấp lại không có tường rào ngăn cách, nên cứ sau mỗi trận mưa phân lợn theo nước từ ao dâng lên tràn cả vào sân, vườn, và con đường dẫn ra ngõ. Nhưng đáng lo ngại hơn là bể nước ăn của gia đình nằm ngay sát mép hồ, có nhiều lúc mưa to nước dâng cao gần tràn vào bể, độc hại lắm".
Gia đình anh Nguyễn Thành Chung, chị Nguyễn Thị Mỹ (thôn Văn Xá) cũng phải chịu cảnh tương tự. Mùi hôi thối từ phân lợn khiến cho gia đình anh chị luôn phải đóng kín cửa, bởi ngay trước cổng ra vào là hố chứa phân lợn chưa qua xử lý được xây dựng nổi của hộ ông Nguyễn Văn Chương.
Khi chúng tôi đến chụp ảnh và ghi nhận những phản ánh của bà con nhân dân bị ảnh hưởng thì hai vợ chồng ông Chương còn tỏ thái độ thách thức.
Gia đình ông Nguyễn Văn Chương chăn nuôi lợn nhưng không có hồ chứa chất thải, không có bể bioga gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Anh Nguyễn Thành Chung cho biết: "Chúng tôi phải suốt ngày phải ngửi cái mùi hôi thối từ phân lợn của gia đình ông Chương từ nhiều năm nay rồi. Đã rất nhiều lần chúng tôi có ý kiến với thôn, với xã về tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm nhưng chẳng ai giải quyết...".
Chất thải từ các chuồng chăn nuôi lợn tại thôn Văn Xá xả thẳng ra môi trường mà không qua bất cứ công đoạn xử lý nào
Được biết, hiện nay thôn Văn Xá có hàng chục hộ chăn nuôi lợn quy mô nông hộ, mỗi năm từ 3 - 4 lứa, trung bình mỗi lứa từ 20 – 30 con lợn thịt. Hầu như các hộ đều không có giải pháp xử lý môi trường, đặc biệt là không có bể biogas.
Do vậy không chỉ cụm dân cư nơi bà Trần Thị Chi và anh Nguyễn Thành Chung sinh sống, mà rất nhiều cụm dân cư khác cũng phải sống chung với ô nhiễm môi trường do phân lợn và các chất thải từ chăn nuôi thải thẳng ra môi trường.
Thường thì nơi nào có mương thì chất thải được đẩy thẳng ra mương, nơi nào thấp trũng thì tự do thải ra ao hồ, vườn tược, đường sá... Điều đáng nói là cán bộ lãnh đạo xã Đức Thủy biết rất rõ tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư do chăn nuôi lợn nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Nhiều hộ dân ở thôn Văn Xá hết sức bức xúc vì cả chục năm nay họ phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do chất thải từ chăn nuôi lợn trong thôn
Xã Đức Thủy được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Nhưng theo phản ánh của người dân thôn Văn Xá, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các hộ chăn nuôi lợn đã diễn ra từ hơn chục năm nay. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, tình trạng ô nhiễm sẽ ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và phát sinh những hệ lụy khó lường.