2 con lợn nái gia đình chị Nguyễn Thị Lệ Thủy dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Trong đó, tiêu hủy 2 con lợn nái của gia đình chị Nguyễn Thị Lệ Thủy (thôn 6, xã Cẩm Thăng) và 3 con lợn nái của ông Đặng Quốc Đàm (thôn 1, xã Cẩm Phúc).
Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy (trú thôn 6, xã Cẩm Thăng, Cẩm Xuyên) cho biết: “Gia đình tôi có 2 con lợn nái, trong đó có một con chỉ ít ngày nữa là sinh. Tuy nhiên, cách đây 2 hôm con lợn nái gần sinh có triệu chứng sốt cao, bỏ ăn, liệt nửa người, còn một con đã chết. Nghi lợn nhà mắc dịch tả lợn châu Phi nên tôi báo với chính quyền xã tiến hành lấy mẫu kiểm tra, tiêu hủy tránh lây lan dịch bệnh”.
Lợn mắc dịch tả lợn châu Phi chết tại chuồng.
Theo chính quyền địa phương, trước đó trên địa bàn xã Cẩm Thăng đã tiêu hủy 26 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi, trong đó gia đình bà Nguyễn Thị Yến (thôn 3) 24 con, ông Hoàng Văn Chuân (thôn 3) 2 con.
Ông Nguyễn Văn Lợi – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thăng cho biết: “Ngay sau khi nhận được tin báo của người dân, chính quyền xã đã kịp thời chỉ đạo, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, tiêu hủy lợn nhiễm bệnh". Tiếp đó, chính quyền xã đã hướng dẫn địa phương lập các chốt kiểm dịch, rắc vôi bột và phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại tại hộ gia đình và vùng phụ cận, khu vực có nguy cơ cao nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng”.
Đàn lợn 14 con của ông Đặng Quốc Kiệm cũng bị nhiễm bệnh
Trước đó, xã Cẩm Phúc cũng đã tiến hành tiêu hủy 17 con lợn, trong đó gia đình ông Hoàng Văn Quyết 3 con, Đặng Quốc Kiệm 15 con; cả hai hộ đều ở thôn 1.
Ông Đặng Quốc Kiệm cho biết: “Dịch bệnh này lây lan nhanh, lợn gia đình tôi buổi sáng vẫn ăn bình thường, đến chiều đã có dấu hiệu bỏ ăn cả đàn”.
Lợn mắc bệnh được tiến hành tiêu hủy theo đúng quy trình.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn, người dân đã chủ động phòng chống dịch tại nhà.
Ông Hoàng Kim Túy - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Phúc thông tin: “Trên toàn xã có 188 hộ chăn nuôi 2.678 con lợn. Tính đến thời điểm hiện tại địa phương phát hiện và tiến hành tiêu hủy 18 con trên toàn xã”.
Cũng theo ông Túy, để ứng phó với dịch tả lợn châu Phi, người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, kịp thời phát hiện, thông báo cơ quan chức năng tiến hành xử lý, tiêu hủy lợn bệnh; đảm bảo môi trường nhằm hạn chế lây lan trên diện rộng.
Ông Lê Văn Danh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên có 17/27 xã đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, hiện đã tiến hành tiêu hủy 1.582 con”.