Được truyền nghề qua nhiều thế hệ, đến nay, ở Kỳ Châu còn có khoảng hơn 20 hộ duy trì và phát triển nghề làm bánh đa. Để có sản phẩm bánh đa ngon, người làm nghề thường sử dụng gạo có độ dẻo ít (thường dùng gạo Khang Dân 18) để tráng bánh.
Hạt vừng đen được chọn để làm bánh đa phải đảm bảo độ chắc mẩy ...
Hạt gạo cũng phải trải qua công đoạn vò, ngâm thật kỹ lưỡng để lúc tráng bánh cho ra màu trắng mịn màng
Cứ 4h sáng đều đặn, hè cũng như đông, bếp lò lại rực hồng để cho ra lò những chiếc bánh chợ Cầu thơm giòn nức mũi
Theo những người dân trong làng, tráng bánh là khâu đòi hỏi kỹ thuật khéo léo của người thợ và không phải ai cũng làm được. Tráng nhẹ tay, bánh phẳng, đều phụ gia thì những chiếc bánh ra lò mới đều tăm tắp, tròn trịa
Những chiếc bánh được tráng thủ công rải đầy vừng đen béo ngậy, hòa trong đó chút gia vị đậm đà tạo nên hương vị đặc trưng của bánh đa chợ Cầu Kỳ Anh
Bánh tráng xong được đem phơi 2 lần cho khô kiệt. Phải phơi bánh dưới nắng không quá nhạt nhưng cũng không quá gắt. Khi đã se mặt nhưng vẫn còn dẻo, bánh sẽ được kịp thời gỡ khỏi phên. Lúc này phải tránh không để bánh bị vỡ hoặc thủng
Hình ảnh những chiếc mên phủ đầy bánh tượng trưng cho sự no ấm của làng nghề
Được truyền nghề từ bà, từ mẹ, đến nay đã hơn 20 năm gắn với nghề tráng bánh, chị Nguyễn Thị Mậu vẫn luôn “giữ lửa” đam mê với nghề truyền thống. Với chị đó không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là nét đẹp văn hóa của một làng nghề quê hương
Năm 2019, bánh đa, bánh mướt chợ Cầu được chọn làm sản phẩm OCOP của xã Kỳ Châu (Trong ảnh: Công nhân của HTX Bánh đa, bánh mướt chợ Cầu xã Kỳ Châu đang thực hiện các công đoạn tráng bánh trên dây chuyền máy hiện đại)
Cũng từ đây, việc làm bánh đa, bánh mướt cũng được dần cải tiến, vừa tăng hiệu quả, năng suất, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, giúp cho bà con có thể sống được với nghề truyền thống của cha ông
Về Kỳ Châu, ghé thăm làng nghề, thưởng thức hương vị thơm ngọt, béo bùi đậm đà của bánh đa, bánh mướt chợ Cầu cùng chút nước mắm cốt đậm đà, bạn sẽ nhớ mãi...