32 xã thuộc 8 huyện, thành phố trên địa bàn Hà Tĩnh có DTCLP chưa qua 21 ngày.
Sau khi tái nhiễm ổ dịch mới trên địa bàn từ ngày 21/3, DTLCP đang lây lan nhanh chóng tại huyện Can Lộc. Đến thời điểm hiện tại, dịch đã xuất hiện tại 5 xã: Sơn Lộc, Quang Lộc, Xuân Lộc, Trung Lộc, Mỹ Lộc; buộc phải tiêu hủy 27 con lợn với tổng trọng lượng hơn 5,5 tấn.
Vì thế, các địa phương đang ráo riết phòng, chống nhằm khống chế các ổ dịch trong quy mô hẹp, sớm đảm bảo hoạt động chăn nuôi ổn định cho bà con nông dân.
Can Lộc cấp phát bổ sung hơn 1.600 lít hoá chất, 13 tấn vôi bột về các địa phương để tiêu độc, khử trùng.
Ông Đoàn Minh Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Can Lộc cho biết: "Huyện đã cấp phát bổ sung hơn 1.600 lít hoá chất, 13 tấn vôi bột để các địa phương thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng. Chính quyền các cấp cũng tăng cường kiểm soát thông tin qua các nhóm zalo, nhất là đối với hoạt động kinh doanh, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm.
Khó khăn của huyện lúc này là trên địa bàn đồng thời xuất hiện dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò và DTLCP nên gây áp lực rất lớn trong khi lực lượng chuyên môn mỏng, nhiều xã chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm”.
Các địa phương tại Can Lộc tổ chức họp bổ cứu thông tin về DTLCP cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch.
Tại Thạch Hà, sau hơn 1 năm khống chế ổn định, ngày 20/3, DTLCP xuất hiện trở lại ở 1 hộ nuôi thuộc xã Thạch Văn. Trong thời gian ngắn, dịch bệnh đã lây lan sang 5 xã, thị trấn khiến 240 con lợn nhiễm bệnh, trong đó, 199 con ốm chết, buộc phải tiêu huỷ. Trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, mật độ chăn nuôi dày, chuồng trại của người dân không đảm bảo an toàn sinh học khiến việc hạn chế dịch xâm nhiễm đang gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, huyện Thạch Hà đã tổ chức họp khẩn, bổ cứu lại các giải pháp chống dịch theo hướng dẫn của ngành chuyên môn cho các địa phương. Trong đó, quan tâm các nội dung trọng tâm như: tổ chức rà soát lại, nắm rõ tổng đàn; yêu cầu các hộ chăn nuôi có dịch thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng ngày 2 lần để hạn chế mầm bệnh phát tán; khi lợn có triệu chứng ốm, bệnh phải báo ngay với chính quyền để xử lý.
Thạch Hà yêu cầu các hộ chăn nuôi có dịch thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng ngày 2 lần để hạn chế mầm bệnh phát tán.
Các địa phương xuất hiện ổ dịch cũng phải tập trung cho công tác tuyên truyền để người dân biết tình hình và các biện pháp phòng dịch; thành lập các chốt chặn cảnh báo vùng có DTLCP.
Chị Trần Thị Xuân (xã Việt Tiến, Thạch Hà) cho biết: “Khi lợn của gia đình được xác định dương tính với DTLCP, chúng tôi đã cùng với địa phương tiêu huỷ ngay theo quy định; tập trung vệ sinh chuồng trại, mua hoá chất về chủ động khử trùng theo hướng dẫn nhằm hạn chế ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi khác trong vùng”.
Các chốt cảnh báo vùng có dịch, phun tiêu độc, khử trùng được các xã có dịch lập nên để kiểm soát tình hình.
Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Thạch Hà Trần Hậu Sinh cho biết: “Huyện cũng đã tổ chức ký cam kết với người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; khuyến cáo bà con trong thời điểm này không nên tái đàn, tăng đàn. Đối với đợt DTLCP lần này, tại các hộ có lợn bị bệnh, những con lấy mẫu xét nghiệm âm tính vẫn có thể bán ra thị trường trong huyện".
Theo báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến nay, 32 xã thuộc 8 huyện, thành phố (Đức Thọ, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Thạch Hà, Can Lộc, Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh) có DTCLP chưa qua 21 ngày với hơn 1.500 con lợn mắc bệnh. |
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, đợt dịch mới này rất nguy hiểm, vi rút có độc lực cao, lợn chết nhanh trong thời gian ngắn.
Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo, hiện nay, trên cả nước đang xuất hiện đồng thời nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm. Trong đó, tại Hà Tĩnh, từ đầu tháng 3 đến nay, DTLCP tiếp tục tái nhiễm ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, đợt dịch mới này rất nguy hiểm, vi rút có độc lực cao, lây lan rộng làm lợn chết nhanh trong thời gian ngắn. Trong khi đó, chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Thời tiết nóng ẩm làm mầm bệnh phát triển nhanh chóng; tổng đàn lợn toàn tỉnh lớn (trên 400.000 con), các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo đủ các điều kiện an toàn sinh học, chưa chấp hành đầy đủ công tác phòng dịch… cũng ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống DTLCP.
Người chăn nuôi Hà Tĩnh cần thực hiện các biện pháp chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học.
Vì thế, ngành chuyên môn khuyến cáo các cấp chính quyền và người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phải tập trung thực hiện các giải pháp phòng dịch theo hướng dẫn của ngành chuyên môn để khống chế dịch bệnh; tăng cường kiểm soát tại các điểm giết mổ tập trung, sản phẩm thịt động vật phải có dấu và giấy tờ xác nhận mới được bán ở chợ; bảo vệ tốt đàn nái để tạo điều kiện về con giống, phục vụ tái đàn khi dịch được kiểm soát.
Đặc biệt, trong lúc dịch bệnh phức tạp, người dân không tái đàn, tăng đàn; luôn thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh; giống vật nuôi khi nhập về phải có nguồn gốc rõ ràng, mật độ nuôi phù hợp, sử dụng thức ăn có chất lượng, vệ sinh tiêu độc chuồng trại thường xuyên...