Vị quan nào thời Hậu Lê được người dân yêu quý lập đền thờ khi còn sống?
Giải thích
Hà Tông Mục sinh ngày 25/9 năm Quý Tỵ (1653), tên húy là Lệnh, tự Hậu Như, hiệu Thuần Như, Chuyết Trai, Độn Phủ; quê xã Tỉnh Thạch, tổng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc (nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Với tài năng, đức độ, lòng nhân nghĩa và dũng khí, ông được tin tưởng giao đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau, góp phần ổn định tình hình đất nước trong bối cảnh xã hội phong kiến rối ren thời Lê - Trịnh ở giai đoạn cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Hà Tông Mục chẳng những được triều đình trọng dụng mà còn được Nhân dân yêu mến, kính trọng. Ngay từ những năm còn làm quan dưới triều Lê, ông đã được Nhân dân quê nhà tin yêu, lập sinh từ (đền thờ người còn sống) và dựng bia Sùng Chỉ để ghi nhận công lao với đất nước, Nhân dân quê hương. Người được dựng bia, lập đền thờ khi còn sống để ghi nhận công lao sự nghiệp là một biệt lệ có một không hai. Trong lịch sử ở tỉnh Hà Tĩnh chỉ có 2 người, đó là Tiến sĩ Hà Tông Mục (thời Hậu Lê) và Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (thời nhà Nguyễn). Hà Tông Mục đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm bao nhiêu tuổi?
Giải thích
Hà Tông Mục xuất thân trong một dòng họ có danh tiếng và truyền thống văn hiến ở đất Hồng Lam, là hậu duệ của tướng quân Hà Mại (Tông Hiểu). Thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người thông minh, học giỏi. 7 - 8 tuổi, Hà Tông Mục đã thông thi, lễ; 11 tuổi giỏi làm văn; năm Quý Sửu (1673), trúng Tường sinh; năm Ất Mão (1675), đỗ đầu khoa thi Hương (tức giải Nguyên - Hương cống); năm Quý Hợi (1683) thi Hội vào mùa xuân trúng Tam trường. Năm 35 tuổi, khoa Mậu Thìn (1688), ông đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Mấy năm sau, Hà Tông Mục lại thi đỗ khoa Ðông các là khoa thi đặc biệt chỉ dành cho những người đã đỗ tiến sĩ và đang làm quan. Ông từng giữ các chức quan như: Lại khoa cấp sự trung (kiểm tra công việc quan lại, tổ chức); Nội tán (dạy học cho con, cháu vua, chúa); Thủy sư; Biên tu quốc sử quán; Ðốc đồng (trấn giữ) hai xứ Tuyên - Hưng (tức tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang ngày nay); Phủ doãn phủ Phụng Thiên (đứng đầu kinh thành Thăng Long); Chánh sứ; Tả thị lang bộ Hình (đứng thứ hai sau thượng thư, hàng tam phẩm)… Hà Tông Mục được Vua nhà Thanh Khang Hy trọng nể, ban tặng chữ gì?
Giải thích
Cuối thế kỷ XVII đầu XVIII, đất nước lâm vào nội chiến, các phe phái tranh giành quyền lực, bên ngoài nhà Thanh lăm le xâm lược. Chúa Trịnh một mặt thi hành chính sách hòa hiếu với nhà Thanh, mặt khác kiên quyết chống lại các vụ phá rối biên giới. Triều đình kêu gọi những người tài ba, có uy tín như Hà Tông Mục đứng ra giúp nước, nhờ vậy biên cương được giữ ổn định trong nhiều năm. Gia phả họ Hà và văn bia Sùng Chỉ ghi, năm 1699, khi đang giữ chức Phủ doãn phủ Phụng Thiên, Vua sai Hà Tông Mục làm kinh lược, đi kiểm tra ở xứ Tuyên Quang. Lúc này, Sầm Trì Phượng ở châu Tiểu Trấn Yên của nhà Thanh nhiều lần đem quân lấn chiếm, quấy rối vùng biên giới. Hà Tông Mục đến nơi, viết thư gửi sang cho Sầm Trì Phượng nói rõ mọi việc. Đối phương sau đó đáp thư nhận lỗi, rút quân về, biên giới yên ổn. Sử cũ cho hay, thư gửi cho Sầm Trì Phượng đến nay giới chuyên môn về lịch sử chưa sưu tầm được, nhưng nhận định chắc chắn là lời lẽ tranh biện “có lý có tình” của vị Phủ doãn phủ Phụng Thiên khiến đối phương được “cảm hóa”. Năm 1703, Hà Tông Mục nhận lệnh đi làm chánh sứ để giữ mối bang giao với nhà Thanh. Trong chuyến đi này, do đối đáp thông minh, ứng xử giỏi, ông được Vua nhà Thanh là Khang Hy nể trọng, tặng cho 1 bức đại tự với 3 chữ “Nhược - Xung - Hiên”, khắc gỗ và sơn son. 3 chữ đó có nghĩa là “khiêm nhường, trí tuệ, chí khí cao cả”. Hiện nay, bức đại tự khắc 3 chữ này vẫn còn được lưu giữ trong khuôn viên Di tích Hà Tông Mục ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc. Hà Tông Mục có nhiều đóng góp trong việc biên soạn và hoàn thành bộ sử lớn nào của nước ta?
Giải thích
Theo Hà tiến sĩ Sùng Chỉ bi ký, làm quan ở vùng nào, Hà Tông Mục luôn khuyến khích người dân lấy nghề nông làm gốc, chăm lo cấy cày. Ngoài ra, việc giáo hóa, khuyên bảo nhân từ đối với những người có lỗi rất được chú trọng... Nhờ vậy, những địa phương trong thời gian ông cai quản mùa màng bội thu, đời sống xã hội ổn định, văn hóa giáo dục và kinh tế phát triển. Vào năm Chính Hòa thứ 17 (1696), cho rằng những công ơn trên không biết lấy gì để báo đáp, quan viên chức sắc và Nhân dân 4 thôn (Mông Tiết, Trung Hậu, Vinh Phúc, Hựu Phúc) thuộc xã Tỉnh Thạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang đã lập bia Sùng Chỉ thờ sống Hà Tông Mục lúc 43 tuổi. Soạn văn bia là Nguyễn Trí Trung (1648-1725), người huyện Đông Yên, nay là huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, từng đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ. Thấy văn bia đề cập nhiều công trạng của mình, Hà Tông Mục đáp: “Việc trung cần đối với nước, việc hiếu thuận đối với nhà, ăn ở hòa mục với dân làng là chức phận đương nhiên của tôi vậy. Sau này kẻ hậu sinh có chí thì noi theo, có lòng thì cảm nhận. Ngày nay mọi người đã suy nghĩ như vậy (lập sinh từ) cũng là lẽ trời, lòng người. Nay xin tự tạ”. Hà Tông Mục không chỉ là một tướng lĩnh tài ba, một nhà ngoại giao xuất sắc mà còn là một nhà sử học uyên thâm. Ông đã có nhiều đóng góp trong việc biên soạn và hoàn thành bộ sử lớn của Nhà nước ta thời Lê là cuốn Đại Việt sử ký tục biên. Hà Tông Mục mất năm 1707, lúc 54 tuổi. Theo Bia trích di chúc của Tiến sĩ Hà Tông Mục, tài sản của ông trước lúc ra đi có ruộng đất, nhà xây, bạc nén và tiền quan. Ngoài phân chia cho vợ con và người thân, vị quan thanh liêm còn dành một phần đất đai, tiền bạc chia cho người dân 2 làng ở huyện Thiên Lộc xưa để họ cưu mang, đùm bọc nhau khi hạn hán, lũ lụt. Bia Sùng Chỉ được công nhận Bảo vật quốc gia vào năm nào?
Giải thích
Bia Sùng Chỉ (Sùng chỉ bi ký) là hiện vật độc bản thuộc quyền quản lý, sở hữu của dòng họ Hà ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, đang được lưu giữ trong khuôn viên Di tích Hà Tông Mục. Bia được làm bằng chất liệu đá, khắc chữ Hán. Bia Sùng Chỉ được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia vào năm 2020. Di tích Hà Tông Mục ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia tại Quyết định số 95/1998/QĐ-BVHTT ngày 24/1/1998 của Bộ Văn hóa Thông tin.Giải thích
Bạn hãy chăm chỉ hơn nhé!
Điểm