Danh nhân nào quê Hà Tĩnh được người dân suy tôn là Thánh sư địa lý?
Giải thích
Tả Ao là nhân vật nổi tiếng ở nước ta, được người dân suy tôn là Thánh sư địa lý. Ông quê ở phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Về năm sinh của ông, các nhà nghiên cứu dự đoán vào khoảng năm Nhâm Tuất (1442), thời Lê Sơ. Cũng có tài liệu cho rằng, ông Tả Ao sống vào đời vua Lê Hy Tông (1676-1705). Ông học rộng tài cao nhưng không ra làm quan mà thích ngao du thiên hạ, giúp muôn dân chọn đất lành, khai cơ lập ấp, xây cất đình chùa, miếu mạo, mồ mả, nhà cửa để xóm làng nhà nhà hòa thuận, phát lộc tài, quốc thái dân an. Trong lịch sử Việt Nam, chưa có một nhân vật nào có được huyền thoại, truyền thuyết về địa lý, phong thủy ảnh hưởng sâu sắc tới người dân, sống mãi với thời gian, sống mãi trong lòng người như Thánh sư địa lý Tả Ao. Nguồn gốc tên gọi của ông là gì?
Giải thích
Tên thật của ông Tả Ao đến nay vẫn là một ẩn số. Theo sách “Việt Nam phong tục” và sách “Nam Hải dị nhân” của Phan Kế Bính, tên thật của ông là Nguyễn Đức Huyền. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú thì ghi tên ông là Hoàng Chiêm hay Hoàng Chỉ. Còn trong sách “Nghi Xuân địa chí” của tú tài Lê Văn Diễn viết năm 1842 thì cho biết, ông tên thật là Vũ Đức Huyền. Ông được biết đến nhiều hơn bởi tên gọi Tả Ao bởi ông quê ở làng Tả Ao bên hữu ngạn sông Lam. Tại quê hương ông, những người đạo cao, đức trọng, được Nhân dân tôn quý mới được lấy tên làng, xã nơi họ sinh ra đặt tên cho mình. Giống như trường hợp của Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ - danh nhân sinh ra tại làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân (nay là xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Ai là người đã truyền dạy nghề địa lý, phong thủy cho ông?
Giải thích
Trong dân gian lưu truyền nhiều giai thoại về việc ông Tả Ao học nghề địa lý, phong thủy. Tuy nhiên có một giai thoại được biết đến rộng rãi nhất, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo đó, ông Tả Ao sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, mẹ lại mắc bệnh mù lòa. Vì muốn tìm cách chữa bệnh cho mẹ, ông theo một khách buôn sang Tàu để lấy thuốc. Thầy thuốc đất Tàu thấy Tả Ao là người có hiếu nên hết lòng dạy nghề lang dược. Khi đó, nơi đây có một thầy địa lý bị mù loà mời thầy lang đến chữa, do già yếu nên ông thầy sai Tả Ao đi chữa thay. Khi được Tả Ao chữa khỏi mù loà, ông thầy địa lý nhìn thấy Tả Ao và nhận ra tố chất thông minh, hiếu học của ông. Để trả ơn chữa bệnh nên thầy địa lý nọ đã truyền hết nghề cho Tả Ao. Không phụ lòng thầy, chỉ sau một thời gian ngắn, Tả Ao đã tinh thông những gì được truyền dạy. Trở về quê nhà, ông chữa lành mắt cho mẹ và làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho người dân, ít khi sử dụng đến kiến thức địa lý, phong thủy. Chỉ khi nào cần thiết ông mới ra tay xem thế đất giùm mọi người. Tuy vậy, danh tiếng xem địa lý của ông lại nổi hơn nghề thầy thuốc. Có giai thoại, Thánh sư địa lý Tả Ao giúp người dân làng Hành Thiện (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) xác định vị trí xây dựng công trình gì để làng phát danh khoa bảng?
Giải thích
Làng Hành Thiện ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định vốn có tên là Hành Cung Trang, được Vua Minh Mạng đổi tên vào năm 1823 với ngụ ý rằng ngôi làng luôn nghĩ và làm điều thiện. Nổi tiếng là đất học có nhiều người đỗ đạt, dù trong giai đoạn lịch sử nào thì làng Hành Thiện cũng xuất hiện những người con ưu tú, kiệt xuất, làm rạng danh quê hương, đất nước. Lý giải cho sự vinh hiển khoa bảng liên tục nhiều đời nối tiếp của những thế hệ người con Hành Thiện, dân gian có lưu truyền một giai thoại, được đưa vào cuốn “Chuyện ông Tả Ao” của NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh như sau: Vào thời Lê Sơ, Thánh sư địa lý Tả Ao đi qua phủ Xuân Trường, đến làng Giao Thủy (tên cũ của làng Hành Thiện). Người dân nơi đây tiếp đón ông Tả Ao vô cùng chu đáo, vì vậy khi dân làng ngỏ ý muốn ông xem cho thế đất của làng thì ông đồng ý ngay. Ông Tả Ao rất thích thế đất của làng và cho là rất đẹp, chẳng khác nào con cá chép đang quẫy đuôi, tung mình ra biển. Nhờ vậy, dân làng được thịnh vượng, làm ăn phát đạt, ít bệnh tật, ốm yếu. Thế nhưng, ngài phán hiểm nỗi con cá này không có mắt nên đến giờ làng vẫn không thể phát khoa danh. Dân làng nghe vậy liền khẩn khoản xin ông điểm mắt cá chép. Ông Tả Ao liền tìm đúng vị trí huyệt mạch rồi bảo dân làng đào một cái giếng để làm mắt cá. Nước giếng cần giữ sạch, sau này làng sẽ có nhiều người làm quan. Tính xác thực của câu chuyện trên tuy chỉ là giai thoại nhưng sự đại phát khoa danh của làng Hành Thiện thì không thể bàn cãi. Dù trong giai đoạn lịch sử nào, làng Hành Thiện cũng xuất hiện những con người kiệt xuất, làm rạng danh quê hương, đất nước. Đây là quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh và nhiều danh nhân nổi tiếng khác trong lịch sử. Đền thờ Thánh sư địa lý Tả Ao ở xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân được trùng tu, phục dựng vào năm nào?
Giải thích
Theo sách “Nghi Xuân - Di tích và danh thắng” (NXB Đại học Vinh, 2021), khi ông Tả Ao qua đời, dân làng Tả Ao tôn ông là Phúc Thần, lập đền thờ ông ngay bên bờ sông Lam. Do ảnh hưởng của thời gian, thiên tai, bão lũ cùng hai cuộc chiến tranh ác liệt, đền thờ ông đã bị phá hủy hoàn toàn. Năm 2017, huyện Nghi Xuân đã đầu tư đúc tượng, xây dựng lại đền thờ ông. Đền thờ Thánh sư địa lý Tả Ao tọa lạc uy nghi ở phía Tây Nam quần thể Di tích Đền Huyện tại xã Xuân Giang. Vào ngày 3/4 âm lịch hằng năm, lễ giỗ Thánh sư địa lý Tả Ao được tổ chức long trọng tại địa phương. Con đường mang tên Tả Ao được thảm nhựa, rộng rãi, rợp bóng cây xanh, chạy từ trung tâm thị trấn Tiên Điền ra đê sông Lam, đến bến Giang Đình. Sử sách ghi lại, tại huyện Nghi Xuân và nhiều huyện lân cận của tỉnh Hà Tĩnh cũng có nhiều giếng nước được ông Tả Ao chỉ vị trí cho mà đào, tuy nhiên một số giếng đã bị vùi lấp, không còn dấu tích. Tại thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân vẫn còn lưu dấu tích giếng Kẻ được ông Tả Ao chọn đất cho để đào vào khoảng thế kỷ XVII. Được tôn tạo lại vào tháng 4/2017. Theo người dân địa phương, dù đã trải qua hàng trăm năm, hạn hán đến mấy, giếng nước không bao giờ cạn mà vẫn luôn trong vắt, ngọt lành.Giải thích
Bạn hãy chăm chỉ hơn nhé!
Điểm